KTS Thien Duong: “Thiết kế kiến trúc Biophilic là giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành bất động sản”
Kiến trúc xanh đang ngày càng thịnh hành, khởi nguồn từ nhu cầu sống xanh gia tăng mạnh trên toàn cầu khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tạo áp lực lớn lên xã hội hiện đại. Trong sự lên ngôi của kiến trúc xanh, phương thức thiết kế kiến trúc Biophilic đặc biệt được đề cao tại nhiều nước phát triển khi không chỉ dung hòa các công trình dân dụng với môi trường tự nhiên mà còn góp phần đáng kể vào việc chữa lành sức khỏe tinh thần cũng như làm tăng chỉ số hạnh phúc của con người.
Xu hướng kiến trúc xanh – Mục tiêu phát triển bền vững
Ông Thien Duong (Dương Quốc Thiện) – Tổng giám đốc Group GSA (chi nhánh Việt Nam); Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bất động sản Việt Nam (Property Guru Vietnam Property Awards – VPA); thành viên Ban Cố vấn Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council – VGBC) đã có những chia sẻ sâu sắc về xu hướng thiết kế kiến trúc độc đáo này.
Thưa ông, vừa qua trong sự kiện khởi động giải thưởng VPA lần thứ 9, ông đã có lời chia sẻ thể hiện niềm tin vào quyết tâm của các nhà phát triển bất động sản (BĐS) trong việc xây dựng nên “những di sản” cho sự phát triển của một cộng đồng và thị trường BĐS bền vững tại Việt Nam.
Vậy trên cương vị là một kiến trúc sư danh tiếng có hơn 2 thập kỷ kinh nghiệm làm việc với các dự án quy mô lớn khắp thế giới, cũng như giám khảo của những giải thưởng uy tín đầu ngành, ông có nhận định như thế nào về xu hướng kiến trúc xanh và ý nghĩa, sự đóng góp của xu hướng đó đối với mục tiêu phát triển bền vững, dựng xây “những di sản” trong ngành BĐS?
Xu hướng “xanh” trong xây dựng và vận hành dự án bất động sản là một sản phẩm của nền văn minh đô thị. Đây là một cuộc cách mạng trong thiết kế kiến trúc nhằm giảm thiểu tối đa tác động trong quá trình thi công đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Các giá trị nhân bản là đích đến của kiến trúc xanh khi đưa bản ngã mỗi con người quay về với sự khởi nguồn là mối liên kết bền chặt với thiên nhiên. Việc tạo lập các không gian xanh củng cố mối quan hệ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng trong mọi không gian: sống, làm việc, vui chơi giải trí.
Chính bởi vậy, các công trình xanh trở thành những công trình có giá trị lâu dài và bền vững theo thời gian, trở thành một thành tố hòa hợp dịu dàng với hệ sinh thái môi trường tự nhiên. Do đó, có thể coi các công trình xanh đúng nghĩa là “những di sản” trong ngành bất động sản.
Thiết kế Biophilic
Gần đây, chúng ta thường nghe tới khái niệm thiết kế kiến trúc Biophilic và phong cách này dường như đang ngày càng được hưởng ứng, trở thành một lựa chọn độc đáo trong phương thức phát triển các dự án BĐS. Vậy sự khác biệt giữa kiến trúc xanh và kiến trúc Biophilic là gì thưa ông?
Bản chất kiến trúc xanh và kiến trúc Biophilic đều hướng đến việc kiến tạo một môi trường sống bền vững, ở đó, các phương pháp xây dựng, thi công, lựa chọn vật liệu xây dựng đều cần nhấn mạnh yếu tố thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt vòng đời của công trình.
Thiết kế Biophilic được hiểu là phương thức thiết kế kiến trúc “ưa sinh học”. Cùng chung mục tiêu là tạo ra các công trình bền vững như kiến trúc xanh nhưng kiến trúc Biophilic còn đặc biệt chú trọng vào lợi ích tâm lý và cảm xúc của cư dân. Trong thiết kế Biophilic, những yếu tố tự nhiên sẽ được sử dụng như chính một phần của ngôi nhà; tạo ra một không gian sống hỗ trợ tích cực lên thể chất và tinh thần của con người.
Vậy ông có thể chia sẻ thiết kế Biophilic đã được ứng dụng như thế nào trên thế giới?
Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến các công trình xanh trở thành một nhu cầu của thị trường, một xu hướng tất yếu trong phát triển dự án BĐS. Ngoài câu chuyện biến đổi khí hậu, thì xã hội hiện đại với nhiều áp lực khiến vấn đề sức khoẻ tâm thần càng được coi trọng. Kiến trúc Biophilic là bước tiến mới, có chiều sâu hơn của kiến trúc xanh khi chú trọng kết nối cảm xúc ở tất cả các giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác với môi trường tự nhiên.
Môi trường sống mà những công trình theo đuổi thiết kế Biophilic tạo nên giúp con người hiện đại giảm căng thẳng, tăng sức sáng tạo, tái tạo năng lượng, mang lại hạnh phúc và có khả năng chữa lành. Nói cách khác, thiết kế Biophilic là một “giải pháp kép” về kiến trúc xanh và trị liệu tâm lý trong cuộc sống hiện đại.
Nội hàm ý nghĩa này khiến kiến trúc Biophilic được ứng dụng trong xây dựng, thiết kế nhiều khu phức hợp cao tầng và công trình công cộng trên thế giới. Những dự án nổi tiếng có thể kể đến như trụ sở Apple Park của Apple (Hoa Kỳ), tòa nhà One Central Park (Úc), sân bay Jewel Changi (Singapore), v.v…
Và ngày càng lan tỏa rộng khắp trong những thập niên gần đây của thế kỷ 21 khi nhận thức xã hội về kiến trúc bền vững gia tăng mạnh trên thế giới, trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai. Tuy nhiên, hiện phương thức này vẫn chỉ đang phổ biến tại các quốc gia phát triển.
Lối kiến trúc xanh chưa được phổ biến tại Việt Nam
Như ông chia sẻ, kiến trúc Biophilic hiện đang phổ biến hơn tại các quốc gia phát triển. Vậy tại Việt Nam thì sao?
Kiến trúc xanh đã được ứng dụng trong một số công trình tại Việt Nam, nhưng vẫn còn rất ít dự án được định hướng phát triển toàn diện theo phương thức thiết kế kiến trúc Biophilic ngay từ những bản vẽ và ý tưởng đầu tiên. Gần đây nhất theo tôi đánh giá có khu phức hợp căn hộ cao cấp Elysian tại TP. Thủ Đức (TPHCM) của chủ đầu tư quốc tế Gamuda Land (Malaysia) là dự án tương đối tiêu biểu được phát triển theo định hướng này.
Biophilic chưa phát triển mạnh tại Việt Nam có thể là do sự thấu hiểu hãy còn hạn chế về phương thức tiếp cận mang tính chuyển đổi này. Với kiến trúc xanh và đặc biệt là kiến trúc Biophilic, các giải pháp xây dựng, quản lý, vận hành, cách sử dụng và ứng dụng vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ… đều có chi phí cao hơn thông thường. Đồng thời, đòi hỏi đội ngũ thiết kế kiến trúc, kỹ sư công trình phải có những kỹ năng cần thiết cùng sự am tường về nguyên lý Biophilia. Tôi mong rằng trong tương lai gần, sẽ ngày càng có nhiều chủ đầu tư Việt Nam thúc đẩy xu hướng này với các dự án mà họ đang phát triển.
Ông vừa nhắc đến dự án Elysian của Gamuda Land với vai trò là dự án tiêu biểu trong việc ứng dụng thiết kế Biophilic ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Dự án Elysian – Tiên phong lối thiết kế Biophilic
Để hiểu thêm về định hướng công trình xanh của dự án này, tôi đã gặp gỡ và trao đổi với đội ngũ phát triển dự án của Gamuda Land, những người mang cách tiếp cận Biophilia bền vững mà họ đã thành thạo ở Malaysia đến Việt Nam. Có thể nói đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bất động sản lồng ghép việc ứng phó với biến đổi khí hậu vào hoạt động kinh doanh. Họ đã thiết lập một chiến lược toàn diện gọi là “Kế hoạch Xanh Gamuda” (Gamuda Green Plan – GGP) với những tiêu chí cụ thể, mang tính lượng hóa cao áp dụng vào toàn bộ các khâu trong hệ thống vận hành của họ nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường song hành với phát triển dự án địa ốc.
Mới đây nhất, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (thành viên của Hội đồng Công trình xanh Thế giới – World GBC) đã cấp chứng chỉ công trình xanh LOTUS cho Elysian. Các tiêu chí và nội dung đánh giá của chứng chỉ này đều có giá trị tương đồng với các chứng nhận công trình xanh quốc tế như LEED (cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), EDGE (cấp bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC), Green Mark (cấp bởi Cơ quan Quản lý Thi công Singapore), Green Star (cấp bởi Hội đồng Công trình xanh của Úc). Tuy nhiên, LOTUS là hệ thống tiêu chí đánh giá được thiết kế riêng theo đặc thù môi trường xây dựng ở Việt Nam, tập trung nhiều hơn vào môi trường lành mạnh và sự hài hòa sinh thái.
Việc đáp ứng đầy đủ hệ tiêu chí LOTUS cho thấy các sáng kiến của Gamuda Land trong việc phát triển Elysian từ quy hoạch tổng thể tới phương thức thiết kế kiến trúc Biophilic, quy trình xây dựng và vận hành đều đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt theo đúng định hướng đề ra trong kế hoạch hành động xanh của chủ đầu tư này.
Vậy, hình dung cụ thể kiến trúc Biophilic ở Elysian là như thế nào?
Tôi đã thảo luận về dự án này với ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành của VGBC, ông ấy nhận xét rằng Elysian tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc thiết kế Biophilic khi đưa yếu tố tự nhiên trở thành một phần trong toàn bộ không gian sống. Dự án khuyến khích sự kết nối sâu sắc và toàn diện giữa con người với thiên nhiên, tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (nắng – gió – nước), giảm thiểu tiêu thụ năng lượng không tái tạo. Thiết kế cảnh quan và các tiện ích cộng đồng chiếm tới 51% tổng diện tích dự án.
Theo như đề án kiến trúc và cảnh quan, Elysian được thiết kế trên nguyên tắc hài hòa giữa nhịp sống của con người hiện đại với các “dòng chảy” của tự nhiên. Các căn hộ với hình dạng vuông vức, ban công rộng, ô cửa sổ lớn, và nhiều mặt thoáng giúp tiếp nhận tối đa ánh sáng, gió trời và liên tục luân chuyển nguồn khí tươi trong lành trong không gian sống riêng tư của cư dân.
Đặc biệt, các căn hộ phiên bản giới hạn có bố trí không gian Lanai với chiều sâu 1m8 cùng hệ lam trượt tinh tế và cửa kính kịch trần với mái che, sàn lát gỗ và hàng rào chắn bằng vật liệu thân thiện với môi trường là sáng tạo ấn tượng tạo nên sức hút riêng cho dự án này. Đó là một sự bổ sung, nối dài và mở rộng không gian giữa các phòng chức năng trong nhà-ngoài trời của căn hộ, tăng cường sự đối lưu không khí, giảm thiểu lượng tiêu thụ điện năng cho đèn và điều hòa.
Các hành lang rộng rãi thoáng gió cùng nhiều mảng xanh và đa dạng loại hình không gian mở ngoài trời và bán ngoài trời giúp gia tăng sự tiếp xúc trực tiếp của cư dân với thiên nhiên, giảm thiểu tổng lượng khí phát thải của cả tòa nhà và tạo ra một cộng đồng carbon thấp nhằm cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng sống và khuyến khích lối sống xanh.
Điểm thú vị trong cách sắp đặt cảnh quan thực vật của dự án này là cách quy hoạch phân tầng các chủng loại cây tạo nên thảm thực vật xanh “giật cấp” theo từng cao độ khác nhau, đồng thời ưu tiên phát triển các loài cây bản địa để tạo ra một hệ thực vật có khả năng tương trợ lẫn nhau, tăng tỉ lệ sống sót với mức độ yêu cầu bảo dưỡng thấp.
Tổng hòa mảng xanh lan tỏa khắp dự án theo cả chiều ngang lẫn chiều thẳng đứng với những sáng tạo “vườn treo” độc đáo Pocket Sky Garden và vườn thượng Sky Garden vừa tăng tính thẩm mỹ vừa hình thành tấm cách nhiệt tự nhiên ngăn cản tia cực tím cùng sức nóng gay gắt của mặt trời với không gian sống của cư dân. Các thiết kế cảnh quan nước cũng được chú trọng với nhiều hồ thư giãn, hồ cảnh quan kết hợp trồng cây thuỷ sinh, và đặc biệt là hệ tiện ích nước với tổng diện tích mặt nước được quy hoạch lên tới 1.190m2.
Đánh giá dự án Elysian
Nhìn chung, tôi đánh giá cao thiết kế cảnh quan của dự án với sự kết hợp các ý tưởng về đa dạng sinh học, không chỉ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách tối ưu hóa mảng xanh và bóng mát, giảm nhiệt, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn đô thị, mà chủ đầu tư còn cố gắng tạo ra không gian sinh thái chất lượng cao bằng cách bố trí hệ động thực vật bản địa trong các khu vườn nội khu.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của xu hướng thiết kế kiến trúc Biophilic tại Việt Nam trong tương lai?
Như tôi đã chia sẻ, theo đuổi phương thức thiết kế kiến trúc Biophilic đòi hỏi các nhà phát triển dự án phải có cam kết vững chắc về tính bền vững, không chỉ ở mặt tài chính, mà họ còn phải sẵn sàng thay đổi, chịu khó học hỏi từ các dự án tiêu chuẩn quốc tế, như gần nhất trong khu vực là tại Singapore, Malaysia.
Đây là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược trong tương lai. Khi những dự án được phát triển theo phương thức này như Elysian đi vào vận hành thực tế, nhận được sự yêu thích của người mua nhà, chúng sẽ góp phần nâng tầm tiêu chuẩn phát triển nhà ở tại Việt Nam. Tôi vô cùng kỳ vọng rằng sắp tới đây, kiến trúc Biophilic sẽ được ứng dụng rộng rãi và phổ biến hơn ở Việt Nam.
Kiến trúc Biophilic chính là giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành BĐS mà Việt Nam rất cần đẩy mạnh để đạt được mục tiêu “Net-Zero” đã cam kết tại COP26, bởi đây là một trong những ngành chịu trách nhiệm nhiều nhất cho việc phát tán khí thải và tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.
Rất cảm ơn ông về cuộc trao đổi đầy hữu ích này!